LIÊN KẾT WEBSITE
THÔNG TIN Y TẾ THẾ GIỚI
BẰNG KHEN
Trung tâm trên Facebook
Nỗi lo nhiễm khuẩn bệnh viện |
Thứ ba, 19 Tháng 12 2017 15:08 |
Nhiễm khuẩn xuất hiện ở khắp các bệnh viện làm tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong, tăng nguy cơ kháng thuốc… Trong số gần 20 bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện (BV) Sản nhi Bắc Ninh về tuyến trung ương có ít nhất 3 trẻ được phát hiện nhiễm loại vi khuẩn đa kháng thuốc, nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn. Hàng loạt trẻ nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc Chiều 22-11, PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, cho biết BV đang dành sự điều trị tốt nhất cho 3 bé sơ sinh sinh non được chuyển lên từ BV Sản nhi Bắc Ninh. Tại thời điểm này, dù tình trạng còn rất nặng do 3 trẻ đều nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên, các chức năng sống tạm thời được kiểm soát. Chi phí điều trị cho các bệnh nhi này sẽ được BV miễn phí toàn bộ.
Nhiễm khuẩn bệnh viện đang làm tăng nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian điều trị và tăng chi phí PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi BV Bạch Mai, thông tin: Trong số 3 trẻ sơ sinh nói trên có một bé rất nặng. Trẻ được chuyển đến trong tình trạng xuất huyết não, tim to, bụng trướng. Qua thăm khám, các bác sĩ (BS) xác định trẻ bị tổn nhiễm khuẩn nặng, hạ đường máu liên tục, vàng da ứ mật. Sau khi cấy máu, các BS phát hiện bệnh nhi này có vi khuẩn đa kháng thuốc. Trong khi đó, BV Nhi trung ương - nơi đang điều trị 10 bệnh nhi được chuyển từ BV Sản nhi Bắc Ninh - cũng cho hay có 4 trẻ nhiễm khuẩn, 2 trẻ trong đó được phát hiện vi khuẩn kháng thuốc trong máu. "Đây là loại vi khuẩn kháng thuốc, thậm chí đa kháng thuốc nên việc điều trị đặt vào tình trạng tối đa. Với sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc trong máu rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm khuẩn" - PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết. Liên quan đến kết luận của Hội đồng Chuyên môn Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh về nguyên nhân khiến 4 trẻ tử vong có thể do nhiễm khuẩn BV, nhiều BS cho rằng không bất ngờ với kết quả này. Theo BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, nhiễm khuẩn BV là rủi ro không mong muốn và bất khả kháng trong quá trình điều trị bệnh, hoàn toàn không phải là sai sót chuyên môn. "Với 4 trẻ sơ sinh tử vong là trẻ được sinh tại BV, chưa về nhà nên việc nhiễm vi khuẩn chỉ có thể xảy ra trong BV. Tuy nhiên, để quy trách nhiệm trong sự việc này thì rất khó, bởi bản thân nhân viên y tế đều làm đúng quy trình. Nhiễm khuẩn BV là vấn đề của toàn cầu, chỉ có điều ở các nước phát triển tỉ lệ này thấp hơn. Còn ở Việt Nam do điều kiện chăm sóc bệnh nhân còn hạn chế, việc sử dụng thuốc tùy tiện đã làm tăng tỉ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế" - BS Hùng phân tích. Cũng theo BS Hùng, thực tế đã có những bệnh nhân tại thời điểm được can thiệp tim mạch hoàn toàn không có bệnh lý gì nhưng sau đó, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết nặng. Với những trường hợp như thế chỉ có thể khẳng định bệnh nhân nhiễm khuẩn BV. Phải nhìn nhận một cách thẳng thắn Một BS cho biết đây là lần đầu tiên tình trạng nhiễm khuẩn BV được nhìn nhận một cách thẳng thắn. Thực tế trước đó, sự việc hơn 100 trẻ em tử vong do dịch sởi vào năm 2014 là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh.
Bệnh nhi sơ sinh được chuyển từ Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Bạch Mai Theo giới chuyên môn, nhiễm khuẩn BV là những nhiễm khuẩn không xuất hiện ở bệnh nhân khi nhập viện nhưng phát triển trong quá trình lưu trú tại đây. Nguyên nhân nhiễm khuẩn BV có thể do không khí trong môi trường BV bị nhiễm khuẩn, do bệnh nhân thực hiện nhiều thủ thuật xâm nhập (tiêm truyền, phẫu thuật, thở máy, thủ thuật thai sản, ăn xông...), do dụng cụ y tế, thực phẩm, nguồn nước bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, tay nhân viên y tế trước và sau khi chăm sóc bệnh cũng được xem là nguyên nhân quan trọng nhất trong việc phát tán vi khuẩn gây bệnh. Nếu không tuân thủ các quy định về chống nhiễm khuẩn BV, nhân viên có thể "bốc" vi khuẩn từ bệnh nhân này truyền cho bệnh nhân khác. Ngoài ra, nhiễm khuẩn BV có thể do những người nhà thăm, nuôi bệnh nhân. Nguy hiểm hơn là tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, bừa bãi đang góp phần sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc thì rất khó điều trị, nguy cơ tử vong cao. BS Hùng cũng cho biết ngay tại BV Bạch Mai cũng bị nhiễm khuẩn BV. Tuy nhiên, nhờ công tác chống nhiễm khuẩn được đẩy mạnh như cử người giám sát tại các khoa phòng và giám sát qua hệ thống camera việc nhân viên sát khuẩn bàn tay sau khi tiếp xúc người bệnh... nên được hạn chế. TS Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc BV Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội - cho rằng nhiễm khuẩn BV có thể kiểm soát thông qua hành vi đơn giản là tuân thủ vệ sinh tay. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 100 người nằm viện thì có khoảng 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới, một phần do chính nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân, trong đó có rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh. Theo nghiên cứu, mỗi centimet vuông trên bàn tay có thể chứa hàng triệu vi khuẩn, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trước đó, một nghiên cứu của BV Bệnh nhiệt đới trung ương khảo sát trên gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa hồi sức tích cực tại 15 BV trên cả nước cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn BV là 27,3%. Các BV tuyến trung ương có tỉ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn BV tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50%-75%. Chữa bệnh mắc thêm bệnh Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế cũng từng công bố nghiên cứu trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 BV đã ghi nhận tỉ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV chiếm tới 55,4%. Một nghiên cứu gần đây ở BV Chợ Rẫy cho thấy nhiễm khuẩn BV làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính là khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như ở Việt Nam. Bài và ảnh: NGỌC DUNG
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|