imgddn
X BỘ Y TẾ
1900.9095
TTYT HUYỆN HÀM THUẬN BẮC
0623.865.106

In order to view this object you need Flash Player 9+ support!

Get Adobe Flash player

Powered by RS Web Solutions

CƠN ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ ĐIỀU TRỊ
Thứ hai, 13 Tháng 11 2023 14:44

Cơn đau thắt ngực ổn định là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch. Nếu không được điều trị đúng cách, tình trạng này sẽ biến chứng nguy hiểm dẫn tới cơn nhồi máu cơ tim, đột tử. Vậy đặc điểm cơn đau thắt ngực ổn định là gì? Điều trị như thế nào?Cơn đau thắt ngực ổn định là gì?

Cơn đau thắt ngực ổn định là tình trạng đau ngực xuất hiện khi cơ tim cần nhiều oxy hơn bình thường nhưng không được nhận đủ. Cơn đau thường xảy ra trong lúc bạn tập thể dục hoặc vận động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc sau khi dùng thuốc Nitrat. Tuy đây là cơn đau ngực ổn định nhưng có thể dẫn đến hội chứng mạch vành cấp tính nếu không được tầm soát và điều trị tối ưu. (1)

Nguyên nhân gây ra đau thắt ngực ổn định

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thắt ngực ổn định là bệnh mạch vành (CAD). Đây là tình trạng các động mạch nuôi tim bị tắc hẹp do xơ vữa động mạch, từ đó ngăn chặn hoặc làm giảm lưu lượng máu đến tim.

Tại những thời điểm nhu cầu oxy của cơ thể thấp, chẳng hạn như khi nghỉ ngơi, cơ tim vẫn hoạt động với lưu lượng máu giảm mà không gây ra các triệu chứng đau thắt ngực. Nhưng khi nhu cầu oxy tăng lên (lúc bạn tập thể dục, leo cầu thang, vận động gắng sức…), cơn đau thắt ngực rất dễ xảy ra. (2)

Triệu chứng thường gặp của cơn đau thắt ngực ổn định

Cơn đau được mô tả giống như cảm giác bị ép hoặc đè nặng, nghẹn ở vùng ngực trái, đau thường một vùng, sau xương ức, kéo dài ít hơn 20 phút. Cơn đau có thể lan ra cánh tay, vai, cổ, hàm, hoặc tay trái. Các dấu hiệu đi kèm bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, hụt hơi, thở nhanh, buồn nôn, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, bồn chồn lo lắng.

Một số người có thể gặp những triệu chứng tương đương đau ngực như khó thở, mệt khi vận động gắng sức, đặc biệt ở người có đái tháo đường đi kèm. Hoặc có biểu hiện khó chịu vùng thượng vi, buồn nôn hoặc nôn ói, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày – tá tràng.

Các yếu tố nguy cơ của cơn đau thắt ngực ổn định

Người có những yếu tố dưới đây sẽ tăng nguy cơ gặp phải cơn đau thắt ngực ổn định:

  • Tuổi tác: Đau thắt ngực phổ biến nhất ở người từ 60 tuổi trở lên.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
  • Tiếp xúc khói thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể làm hỏng niêm mạc động mạch, tạo điều kiện tích tụ cholesterol và ngăn chặn lưu lượng máu nuôi tim.
  • Bệnh đái tháo đường: Bệnh nhân đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành: cơn đau thắt ngực ổn định và nhồi máu cơ tim.
  • Tăng huyết áp: Theo thời gian, huyết áp cao làm tổn thương động mạch bằng cách đẩy nhanh quá trình xơ cứng động mạch.
  • Rối loạn mỡ máu: Quá nhiều cholesterol xấu (LDL) trong máu sẽ khiến các động mạch bị thu hẹp. Mức chất béo trung tính (Triglyceride) trong máu cao cũng không tốt cho sức khỏe.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Bệnh thận mạn tính, bệnh động mạch ngoại biên, hội chứng chuyển hóa, từng bị đột quỵ… đều làm tăng khả năng bị đau thắt ngực.
  • Không tập thể dục: Lối sống ít vận động góp phần làm tăng cholesterol xấu, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và béo phì.
  • Thừa cân – béo phì: Tình trạng này khiến tim phải làm việc nhiều hơn để cung cấp máu cho cơ thể.
  • Căng thẳng: Công việc bận rộn khiến bạn rơi vào trạng thái stress, lo âu, tức giận, lâu ngày gây tăng huyết áp. Ngoài ra, căng thẳng còn kích thích hoạt động của hệ thần kinh giao cảm và do vậy gây ảnh hưởng không tốt đến thành mạch, làm tăng nguy cơ lắng đọng LDL-cholesterol, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển xơ vữa động mạch.

Thừa cân – béo phì, lạm dụng thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến sẵn là những yếu tố làm tăng nguy cơ đau thắt ngực ổn định

Phân loại cơn đau thắt ngực ổn định

Theo phân độ của Hiệp hội tim mạch Canada (CCS), đau thắt ngực ổn định được chia theo các mức độ sau:

  • Độ I: Hoạt động thể lực bình thường (đi bộ, leo thang) không gây đau thắt ngực. Đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi đang gắng sức mạnh hoặc kéo dài.
  • Độ II: Bắt đầu có hạn chế do đau ngực khi hoạt động thể lực bình thường (đi bộ nhanh hoặc xa hơn 2 dãy nhà, leo cầu thang nhanh hoặc hơn 1 tầng gác). Đau thắt ngực có thể nặng lên sau khi ăn, cơ thể gặp lạnh hoặc xúc động mạnh.
  • Độ III: Hạn chế đáng kể hoạt động thể lực bình thường do đau thắt ngực (đau thắt ngực xuất hiện khi leo bộ 1 tầng gác hoặc đi bộ 1 dãy nhà).
  • Độ IV: Hoạt động thể lực bình thường nào cũng gây đau thắt ngực. Đau thắt ngực xuất hiện ngay cả khi làm việc/gắng sức nhẹ hoặc lúc đang nghỉ.

Các phương pháp chẩn đoán đau thắt ngực ổn định

Để chẩn đoán đau thắt ngực, bác sĩ sẽ khám sức khỏe tổng quát và tìm hiểu kỹ về các triệu chứng cũng như yếu tố nguy cơ của bạn. Đồng thời, bạn sẽ phải thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): để xem tim có đập quá nhanh hay quá chậm không, lưu lượng máu qua tim có bị chậm lại hoặc gián đoạn hay không.
  • X-quang ngực: cho thấy rõ hình ảnh tim và phổi, từ đó bác sĩ có thể xác định nguyên nhân, biến chứng cơn đau thắt ngực.
  • Xét nghiệm máu: một số chất được phóng thích khi cơ tim bị tổn thương hoại tử. Xét nghiệm máu men tim sẽ giúp phát hiện các chất này.
  • Siêu âm tim: để đánh giá cấu trúc và chức năng cơ tim.
  • Trắc nghiệm gắng sức: như đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ, sẽ giúp theo dõi hoạt động của tim khi gắng sức, từ đó phát hiện tình trạng thiếu máu cơ tim nếu có.
  • Chụp CT tim: nhằm phát hiện có động mạch nào của tim bị hẹp hay không, mức độ hẹp, ngoài ra còn giúp khảo sát chức năng tim và phát hiện một số bệnh lý cơ tim khác như bệnh cơ tim phì đại.
  • Chụp cộng hưởng từ tim (MRI): cho hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim, đánh giá mức độ xơ hóa cơ tim, phát hiện sẹo cơ tim,…
  • Chụp mạch vành bằng đường ống thông: sử dụng hình ảnh tia X để kiểm tra bên trong các mạch máu tim. Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh mạch vành, một nguyên nhân thường gặp gây đau thắt ngực. (3)

Siêu âm tim là một trong những phương pháp được chỉ định tìm nguyên nhân cơn đau thắt ngực ổn định

Các biến chứng của đau thắt ngực ổn định

Biến chứng nguy hiểm nhất của cơn đau thắt ngực ổn định là nhồi máu cơ tim, khi dòng máu nuôi tim bị tắc nghẽn hoàn toàn. Nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như cơn đau thắt ngực kéo dài trên 20 phút, đau lan ra ngoài ngực đến vai, cánh tay, lưng hoặc thậm chí đến răng và hàm, gần ngất hoặc ngất xỉu, khó thở, hụt hơi, buồn nôn và ói mửa, đổ mồ hôi…, bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức.

Phương pháp điều trị cơn đau thắt ngực ổn định

Mục tiêu của điều trị cơn đau thắt ngực là giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng cũng như giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và tử vong. Các phương pháp bao gồm:

1. Điều trị nội khoa bằng thuốc

Uống thuốc theo toa là phương pháp điều trị phổ biến cho chứng đau thắt ngực ổn định. Bác sĩ sẽ kê toa nitroglycerin (giúp làm giãn các động mạch vành, tăng máu nuôi đến tim), thuốc điều trị tăng huyết áp và cholesterol cao, thuốc làm loãng máu để giúp ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch… (4)

2. Tuân thủ lối sống lành mạnh

Người bệnh mạch vành nói riêng và bệnh tim mạch nói chung cần duy trì chế độ ăn uống đa dạng, tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả, hạn chế đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối và đường.

Song song đó, cố gắng tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần, cần kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng lý tưởng, điều trị ổn định các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, cường giáp…

3. Can thiệp ngoại khoa

Nếu thay đổi lối sống và dùng thuốc đều không làm giảm cơn đau thắt ngực, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp đặt stent hoặc phẫu thuật tim hở.

  • Đặt stent nong mạch vành: Stent được đưa vào đoạn mạch bị hẹp để nong rộng ra, mở đường cho máu đến tim dễ dàng, từ đó làm giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn chứng đau thắt ngực.
  • Phẫu thuật tim hở (phẫu thuật bắc cầu động mạch vành): Bác sĩ phẫu tích lấy một tĩnh mạch hoặc động mạch ở nơi khác trong cơ thể (như ngực, chân) để làm cầu nối, tạo đường đi mới dẫn máu đến nuôi tim.

Nong mạch đặt stent được chỉ định cho trường hợp đau thắt ngực ổn định có liên quan đến hẹp mạch vành

Biện pháp phòng ngừa cơn đau thắt ngực ổn định

Tương tự như phương pháp thay đổi lối sống để điều trị chứng đau thắt ngực, bạn có thể phòng ngừa cơn đau ngực ổn định bằng cách:

  • Tránh xa thuốc lá;
  • Ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch;
  • Không lạm dụng bia, rượu;
  • Vận động thể chất đều đặn với các bài tập phù hợp với sức khỏe;
  • Tránh để thừa cân – béo phì;
  • Quản lý các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến bệnh tim theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Kiểm soát căng thẳng (stress).

Giải đáp câu hỏi thường gặp

1. Cơn đau thắt ngực ổn định kéo dài bao lâu?

Cơn đau thắt ngực ổn định thường kéo dài từ 5 phút đến hết dưới 20 phút

2. Đau thắt ngực ổn định có nguy hiểm không?

Đau thắt ngực ổn định không gây nguy hiểm ngay thời điểm xuất hiện, nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh cần thăm khám để tìm nguyên nhân và tuân thủ điều trị của bác sĩ để giảm nguy cơ đột quỵ tim trong tương lai.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Hoạt động của Trung tâm