LIÊN KẾT WEBSITE
THÔNG TIN Y TẾ THẾ GIỚI
BẰNG KHEN
Trung tâm trên Facebook
LIPID MÁU ( MỠ MÁU ) |
Thứ ba, 20 Tháng 8 2024 09:40 |
Mỡ máu (Lipid máu) là chất béo có trong máu, bao gồm cholesterol và chất béo trung tính (Triglyceride). Cơ thể cần một lượng chất béo nhất định để hoạt động bình thường. Lipid cùng với protein và carbohydrate là thành phần chính của tế bào sống. Cholesterol và chất béo trung tính được lưu trữ trong cơ thể và đóng vai trò là một nguồn năng lượng. Cholesterol là một chất béo do gan sản xuất, được máu vận chuyển để cung cấp nguyên liệu cho thành tế bào và kích thích tố. Còn chất béo trung tính đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất với chức năng như một nguồn năng lượng và giúp vận chuyển chất béo hình thành từ chế độ ăn uống đi khắp cơ thể. Cholesterol và chất béo trung tính đều là lipid nhưng có hình dạng rất khác nhau. Cholesterol được tạo thành từ các vòng carbon liên kết với nhau, còn được gọi là “sterol”. Chất béo trung tính là các chuỗi carbon được gọi là “axit béo”, được gắn ở một đầu với khung carbon. carbon liên kết với nhau, còn được gọi là “sterol”. Chất béo trung tính là các chuỗi carbon được gọi là “axit béo”, được gắn ở một đầu với khung carbon.
Lipid máu (mỡ máu) là thành phần quan trọng tham gia vào quá trình chuyển hóa và cung cấp năng lượng cho hoạt động của cơ thể.
Lợi ích của lipid máu (mỡ máu)
Khi cơ thể có cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), hay được gọi là cholesterol “tốt” thì các động mạch được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng hơn do HDL giúp loại bỏ LDL cholesterol.
Chất béo trong chế độ ăn uống rất cần thiết để duy trì sức khỏe của làn da và ngăn ngừa bệnh mạn tính. Bổ sung lượng chất béo được khuyến nghị nên lấy từ nhiều nguồn thực phẩm lành mạnh khác nhau sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu của cơ thể.
Mỗi gram chất béo chứa 9 calo, là nguồn năng lượng cần thiết cho cơ thể. Nếu muốn tăng cân, chất béo sẽ cung cấp thêm calo mà không yêu cầu ăn một lượng lớn thức ăn.
Phân loại mỡ máu (lipid máu)
1. Cholesterol
Cholesterol là một chất béo giống như sáp, được tìm thấy trong mô của người và các động vật khác. Gan có thể tự sản xuất lượng cholesterol mà cơ thể cần. Ngoài ra, cơ thể tiếp thu cholesterol từ thực phẩm như thịt động vật, trứng và các sản phẩm từ sữa. Nồng độ cholesterol trong máu cao góp phần gây xơ vữa động mạch hoặc tắc nghẽn động mạch.
Thuật ngữ “cholesterol” bao gồm 2 thành phần: lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
2. LDL Cholesterol
Đây là loại cholesterol được gọi là “cholesterol xấu”, có thể tích tụ trong mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. HDL Cholesterol
Đây là loại cholesterol được gọi là “cholesterol tốt”, giúp giảm sự tích tụ LDL cholesterol (LDL-C) trong mạch máu.
4. Triglycerid
Triglyceride, hay chất béo trung tính, là chất béo lưu thông trong máu cùng với cholesterol. Cơ thể lấy chất béo trung tính từ thực phẩm (đặc biệt là thịt và dầu thực vật) hoặc cũng tự tạo ra chất béo trung tính. Đối với cholesterol, chỉ cần một lượng chất béo trung tính phù hợp.
Lipid máu được tính bằng miligam trên decilit (mg/dL). Dưới đây là phạm vi cho tổng lượng cholesterol ở người lớn:
Bình thường: dưới 200 mg/dL
Giới hạn cao: từ 200 – 239 mg/dL
Cao: ≥240 mg/dL
Đây là phạm vi dành cho người lớn đối với cholesterol LDL:
Tối ưu: dưới 100 mg/dL (mục tiêu cho những người mắc bệnh đái tháo đường hoặc bệnh tim)
Gần tối ưu: 100 – 129 mg/dL
Giới hạn cao: 130 – 159 mg/dL
Cao: 160 – 189 mg/dL
Rất cao: ≥190 mg/dL
Những con số trên là hướng dẫn chung, bởi các mục tiêu thực tế phụ thuộc vào các yếu tố rủi ro tim mạch ở người bệnh.
Mức cholesterol HDL phải trên 40 mg/dL. Đây là loại chất béo tốt, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do đó, chỉ số HDL càng cao, rủi ro càng thấp; chỉ số HDL- C từ 60 mg/dL trở lên được coi là mức bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mức chất béo trung tính cao có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim. Dưới đây là phạm vi dành cho người lớn:
Bình thường: Dưới 150 mg/dL
Giới hạn cao: 150 – 199 mg/dL
Cao: 200 – 499 mg/dL
Rất cao: ≥500 mg/dL
Như vậy, lipid máu bình thường khi tổng lượng cholesterol dưới 200 mg/dL.
Cholesterol HDL phải từ 40 mg/dL trở lên
Cholesterol LDL phải dưới 100 mg/dL
Mức chất béo trung tính phải dưới 150 mg/dL
Tình trạng chỉ số mỡ máu thấp hoặc cao hơn mức bình thường là dấu hiệu cảnh báo của bệnh rối loạn mỡ máu trong cơ thể
Xét nghiệm cholesterol đầy đủ (còn được gọi là bilan mỡ máu) là xét nghiệm máu đo lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu; giúp xác định nguy cơ tích tụ mỡ (mảng xơ vữa) trong động mạch có thể dẫn đến hẹp hoặc tắc động mạch khắp cơ thể (xơ vữa động mạch).
Xét nghiệm máu là phương pháp đơn giản để xác định chỉ số mỡ máu
Trước khi lấy máu xét nghiệm, người bệnh cần nhịn ăn từ 9-12 giờ trước khi xét nghiệm, có thể uống nước lọc. Một số xét nghiệm cholesterol khác không yêu cầu nhịn ăn, do đó người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước và làm theo hướng dẫn.
Thay đổi lối sống và có chế độ ăn uống lành mạnh là “tuyến phòng thủ” đầu tiên chống lại rối loạn lipid máu, khi chỉ số mỡ máu không được duy trì ở mức bình thường. Tuy nhiên, nếu đã thực hiện những thay đổi lối sống quan trọng này mà tình trạng mỡ máu cao không cải thiện, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị.
Việc lựa chọn thuốc cụ thể hoặc kết hợp thuốc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố nguy cơ, tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại và các tác dụng phụ có thể xảy ra. Các lựa chọn phổ biến bao gồm:
Statin: Statin ngăn chặn một chất mà gan cần để tạo ra cholesterol. Điều này giúp cho gan loại bỏ cholesterol ra khỏi máu. Statin cũng có thể giúp cơ thể tái hấp thu cholesterol tích tụ trên thành động mạch, có khả năng đẩy lùi bệnh động mạch vành.
Nhựa liên kết axit mật: Gan sử dụng cholesterol để tạo ra axit mật, một chất cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Các loại thuốc như cholestyramine (Prevalite), colesevelam (Welchol) và colestipol (Colestid) làm giảm cholesterol gián tiếp bằng cách liên kết với axit mật. Điều này thúc đẩy gan sử dụng lượng cholesterol dư thừa để tạo ra nhiều axit mật hơn, giúp giảm mức cholesterol trong máu.
Chất ức chế hấp thu cholesterol: Ruột non hấp thụ cholesterol từ chế độ ăn uống và giải phóng vào máu. Thuốc ezetimibe (Zetia) giúp giảm lượng cholesterol trong máu bằng cách hạn chế sự hấp thu cholesterol trong chế độ ăn uống.
Thuốc tiêm: Một loại thuốc mới giúp gan hấp thụ nhiều cholesterol LDL hơn, làm giảm lượng cholesterol lưu thông trong máu. Alirocumab (Praluent) và evolocumab (Repatha) có thể được sử dụng cho những người mắc bệnh di truyền khiến mức LDL-C rất cao hoặc ở những người có tiền sử bệnh mạch vành không dung nạp statin hoặc các loại thuốc điều trị cholesterol khác.
Một chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo và tập thể dục nhiều hơn được khuyến nghị để giảm cả cholesterol và chất béo trung tính. Các hoạt động này cũng có thể giúp tăng cholesterol HDL.
Để giảm cholesterol LDL, người bệnh nên ăn ít thịt đỏ và trứng; sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo để giảm chất béo bão hòa và cholesterol trong chế độ ăn uống; hạn chế thực phẩm chiên rán và chế biến bằng các loại dầu tốt cho sức khỏe; ưu tiên ăn nhiều chất xơ gồm trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt; duy trì cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu thừa cân.
Chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, quả góp phần giảm cholesterol xấu
Để giảm chất béo trung tính, người bệnh cần giảm cân nếu thừa cân; tăng cường hoạt động thể chất; ngưng hút thuốc, tránh uống rượu bia; ưu tiên thực phẩm ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol; giảm lượng carbohydrate và thực phẩm có đường như món tráng miệng, soda, nước trái cây…
Hy vọng nội dung trên giúp bạn hiểu hơn về mỡ máu để phòng ngừa tốt hơn. Để kiểm tra mỡ máu trong cơ thể, bạn hãy đến nơi xét nghiệm đáng tin cậy để thực hiện đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất.
(Nguồn: https://medlatec.vn)
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|