LIÊN KẾT WEBSITE
THÔNG TIN Y TẾ THẾ GIỚI
BẰNG KHEN
Trung tâm trên Facebook
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP |
Thứ sáu, 12 Tháng 6 2020 08:15 |
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CỦA BỆNH TRĨ (Theo tài liệu Bệnh học ngoại Trường ĐHYD TPHCM và ĐHYD Cần Thơ )
PHẦN I: ĐẠI CƯƠNG VỀ BỆNH TRĨ
Bệnh trĩ là một trong những căn bệnh phổ biến tại vùng hậu môn- trực tràng, là căn bệnh dễ tái phát, có diễn biến khá phức tạp, gây đau đớn, bất tiện cho người bệnh. Bệnh trĩ nếu không được chữa trị kịp thời thì rất dễ gây nhiễm trùng, bội nhiễm vùng hậu môn, thiếu máu và thậm chí còn là tác nhân chính gây ung thư vùng hậu môn – trực tràng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Trĩ là giãn và sưng tĩnh mạch trực tràng. Trĩ nội nhô ra nhưng vẫn còn nằm trong ống hậu môn và có lớp màng nhày bao phủ. Trĩ ngoại nhô ra hậu môn và được lớp da ngoài hậu môn bao phủ. Bệnh trĩ phổ biến ở mọi xứ sở và tỉ lệ mắc bệnh khá cao, đứng đầu trong các bệnh vùng hậu môn. Đa số gặp ở người lớn tuổi và không gặp ở trẻ em, nam gấp đôi nữ. Trĩ là căn bệnh khá tế nhị nên đại đa số bệnh nhân đều ngại chia sẻ, dẫn đến việc trì hoãn trong khâu chữa trị bệnh. Bên cạnh đó, một số người lại sợ thủ thuật cắt trĩ sẽ gây nhiều đau đớn , cho nên vẫn cố gắng chịu đựng âm thầm sống chung với bệnh. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trĩ nhưng thường xảy ra ở những người có thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh như: ăn ít chất xơ, uống ít nước, táo bón thường xuyên, lười vận động đi lại hoặc ngồi nhiều, lao động nặng, nhịn đi tiêu thường xuyên, quan hệ tình dục qua đường hậu môn... Ngoài ra, còn do áp lực căng thẳng quá mức, stress, vệ sinh vùng hậu môn không sạch sẽ, người béo phì, người già, phụ nữ mang thai và sau sinh... Với các biểu hiện chính là đi cầu ra máu, đau rát hậu môn, sa búi trĩ... Vì thế ứ máu trong hệ thống tĩnh mạch hậu môn được coi là vai trò cơ bản trong sự phát triễn trĩ. Việc đi đại tiện phải rặn khi phân quá cứng, ngồi rặn lâu trên bồn cầu, tăng áp lực trong xoang bụng ở những người giãn phế quản, ho nhiều, người lao động nặng, phụ nữ mang thai, u đại trực tràng, bụng chướng... đều dẫn đến nguy cơ bị bệnh trĩ. Là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng chảy máu trực tràng. Việc điều trị chậm trễ khiến bệnh tiến triễn với nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa chất lượng cuộc sống, sức khỏe và cả hạnh phúc gia đình. Vì vậy, làm thế nào để phòng ngừa bệnh trĩ tốt nhất? Các chuyên gia khuyên người bệnh nên nhanh chóng đến sơ sở y tế thăm khám khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường.
PHẦN II : CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG BỆNH TRĨ v Chế độ ăn uống: Đối với người bệnh trĩ thì có một chế độ ăn uống khoa học, đúng cách là rất cần thiết cho sức khỏe: - Uống nhiều nước khoảng 1.5 đến 2 lít / ngày, tăng cường các loại nước ép hoa quả - Chế độ ăn nhiều chất nhiều xơ : các loại rau xanh như rau diếp cá, cải bó xôi... giúp làm mềm phân, hạn chế táo bón. - Hạn chế ăn các đồ ăn chứa nhiều muối, cay nóng, chiên xào, cà phê,bia, rượu và các thực phẩm chứa cafein - Bổ sung các thực phẩm nhuận tràng để làm giảm nguy cơ táo bón: chuối, khoai lang, dưa hấu, thanh long, đu đủ, bí đỏ... - Bổ sung các thực phẩm giàu sắt như gan động vật, hạt điều, hạnh nhân để tăng cường bổ máu, hạn chế nguy cơ thiếu máu ở người bị chảy máu kéo dài. TThức ăn nên tránh
- - Ngũ cốc tinh chế - -Hạn chế thịt - -Đồ cay, nóng, mặn, nhiều dầu mỡ - -Bia, rượu, thuốc lá
v Chế độ sinh hoạt:
Bên cạnh đó, chế độ sinh hoạt điều độ và hợp lý cũng góp phần không nhỏ trong điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ hiệu quả.
- Dùng túi lạnh đặt vào búi trĩ bớt sung huyết
- Tránh rặn khi đại tiện, tránh khiêng vác vật nặng
- Ngồi ngâm nước ấm thường xuyên để tăng cường lưu thông máu, giảm đau, giảm phù nề.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục nhịp điệu vừa phải như đi bộ nhanh 20- 30 phút hằng ngày có tác dụng kích thích tăng nhu động ruột, làm giảm táo bón (lưu ý nên tránh các bài tập thể dục nặng: tập thể hình, tập tạ..)
- Đi vệ sinh ngay khi có nhu cầu, tránh nhịn. Nên tạo 1 thói quen đi vệ sinh vào 1 thời điểm nhất định hằng ngày, tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh. Ngồi lâu có thể gây tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch hậu môn. Hạn chế ngồi xổm, nên chọn loại bồn cầu ngồi bệt.
- Vệ sinh hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện bằng cách rửa bằng nước nhẹ nhàng hoặc dùng khăn lau trẻ em hoặc miếng lót ẩm. Hạn chế dùng giấy vệ sinh khô cứng có chứa hương liệu tạo mùi thơm vì gây cọ xát, dị ứng, làm tăng viêm và tổn thương hậu môn.
- Ngồi trên đệm thay vì ngồi bề mặt cứng: Giảm sưng trĩ, hạn chế gây đau, chèn ép vào búi trĩ
- Hãy giảm cân nếu bạn thừa cân ( giảm ăn, tập thể dục) để làm giảm áp lực lên các tế bào và mạch máu tại vùng trực tràng - hậu môn.
- Phụ nữ có thai: nên nằm nghiêng bên trái nhiều giảm sức ép bào thai lên vùng trực tràng- hậu môn.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CỦA BỆNH GÃY XƯƠNG
(Theo tài liệu Bệnh học ngoại Trường ĐHYD TPHCM và ĐHYD Cần Thơ )
PHẦN I: ĐẠI CƯƠNG VỀ GÃY XƯƠNG
Bộ xương người gồm 206 chiếc, đảm nhận các vai trò trong việc tạo hình cơ thể, tạo các khoang chứa cơ quan nội tạng và che chở tránh các tác động của ngoại lực, hỗ trợ quá trình vận động, là nơi sản sinh các tế bào máu.
Xương luôn được tái tạo trong suốt cuộc đời, các tế bào xương mới liên tục được tạo ra để thay thế cho các tế bào đã già cỗi.
Gãy xương là sự phá hủy đột ngột các cấu trúc bên trong của xương gây ra các tổn thương và làm gián đoạn về truyền lực qua xương. Nói cách khác, xương mất tính liên tục và hoàn chỉnh do ngoại lực gây nên. Mất tính liên tục hoàn toàn gọi là gãy xương hoàn toàn, mất tính liên tục không hoàn toàn gọi là gãy xương không hoàn toàn.
Gãy xương gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi, ở trẻ em gãy xương thường xảy ra tuy nhiên ít phức tạp hơn so với người lớn. Ở người già xương bị lão hóa trở nên giòn, dễ gãy nhất là khi ngã.
Gãy xương xảy ra do nhiều tác động của 1 lực bên ngoài, có thể do tai nạn giao thông , tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt hoặc vết thương hoả khí.
Cách phổ biến nhất để bác sĩ đánh giá gãy xương là chụp X-quang vì nó cung cấp hình ảnh xương rõ ràng. X-quang có thể cho biết xương còn nguyên vẹn hoặc bị gãy, các loại gãy xương và vị trí chính xác chỗ gãy. Từ đó đưa ra biện pháp điều trị phù hợp như: bó bột cố định, nẹp cố định hay phẫu thuật
Gãy xương là tình trạng xương bị gãy. Bệnh gồm có bốn loại chính: di lệch, không di lệch, hở và kín.
Trong gãy xương di lệch, xương tách ra thành hai hay nhiều phần và lệch làm hai đầu xương gãy không dính vào nhau. Trong gãy xương không di lệch, xương chỉ nứt ra và hai đầu xương vẫn dính vào nhau.
Gãy xương kín thì ổ xương gãy không thông với môi trường bên ngoài.Gãy xương hở là loại gãy xương làm thông ổ gãy ra môi trường bên ngoài qua vết thương ở tổ chức phần mềm.
Gãy xương là bệnh cấp cứu, nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng và di chứng về sau ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống. Vì thế nên đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế nếu gặp trường hợp bất thường như : đau, sưng nề, bầm tím vùng xương gãy, giảm hoặc mất cơ năng, biến dạng chi, có tiếng lạo xạo xương gãy, cử động bất thường, ấn đau chói vùng chi gãy.
Lưu ý, cần sơ cứu người bệnh trước khi đưa đến bệnh viện, việc này rất quan trọng và cần thiết đối với người bệnh. Thông thường thì bất động chi gãy bằng nẹp gỗ ( hoặc có thể tự làm cán để cố định được chi gãy nếu không có nẹp gỗ), sau khi bất động xong phải vận chuyển nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất. Nếu bất động và vận chuyển không đúng cách thì vô tình sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, người bệnh có thể không chết do gãy xương nữa mà là chết do sock vì quá đau hoặc mất máu nhiều.
PHẦN II: CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG BỆNH GÃY XƯƠNG
v Chăm sóc sau bó bột:
- Áp dụng một số biện pháp giảm sưng nề bằng cách: Kê cao chi được bó bột trong khoảng 72 giờ sau bó bột để máu trở về tim được dễ dàng. Đồng thời nên tập vận động lên cơ, gồng cơ các đầu chi không phải bó bột.
- Những ngày đầu sau bó bột cần giữ cho bột khô ráo, nếu bột bị thấm nước hoặc ẩm thì có thể gây ngứa ngáy, kích ứng da.
- Luôn giữ cho bột sạch sẽ và lau sạch phần đầu chi không có bột
- Hạn chế đi lại nhiều làm hư bột, làm chậm liền xương
- Khi bị ngứa không được dùng các vật dụng như que để gãi ngứa vì dễ gây viêm da, tổn thương da
- Người bệnh tuyệt đối không được tự ý xén mép bột hoặc tự ý tháo bột khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ
- Chú ý màu sắc da quanh mép bột, nếu thấy bị trầy xước, tấy đỏ, tím tái đầu chi hoặc nếu xuất hiện cảm giác chật chội, căng tức phần chi bó bột và sưng nề thì thì cần tái khám ngay hay thông báo cho bác sĩ để nới bột kịp thời, tránh tình trạng chèn ép bột.
2 v Chế độ sinh hoạt sau gãy xương:
Sau khi gỡ bỏ khuôn bột đúc hoặc nẹp, người bệnh nên bắt đầu hoạt động từ từ với khu vực từng tổn thương này, có thể mất từ 4-6 tuần để xương hồi phục như ban đầu.
Vận động sau gãy xương có ý nghĩa quan trọng không kém gì thuốc, giúp máu huyết lưu thông để xương mau lành và giảm đau nhức, giảm sưng hiệu quả. Người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp phục hồi sau:
- Tập cử động khớp và duy trì sức cơ: Để giảm khả năng bị co cứng khớp do phải bất động quá lâu để tăng sức căng của cơ.
- Tập đi: Khi được sự cho phép từ bác sĩ thì người bệnh có thể dùng nạng gỗ để tập đi khi xương chưa liền.
- Tập sinh hoạt thông thường: Một số động tác trong sinh hoạt hàng ngày có thể giúp người bệnh gãy xương phục hồi nhanh hơn như lên xuống cầu thang, tập ngồi xổm đứng lên, bậc thềm nhà... Khi nào bệnh nhân không còn đau nữa và sinh hoạt không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt.
- Tập xoa nắn cơ xương: Chỉ nên xoa nắn nhẹ bằng tay mà không nên dùng các loại cồn, dầu cao hay thuốc xoa bóp nào để xoa vào khớp vì như vậy có thể làm tăng nguy cơ bị xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp....
- Để việc điều trị đạt kết quả tốt, người bệnh cần tuân thủ phương pháp điều trị của bác sĩ. Ngoài ra cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh hồi phục. Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường cần đi khám ngay để có biện pháp điều trị kịp thời.
v Dinh dưỡng dành cho người bệnh gãy xương:
Tóm lại, khi bị gãy xương, để giúp xương nhanh liền và phục hồi sự vận động của các chi thì người bệnh cần phải kiên trì tập luyện kết hợp với các biện pháp vật lý trị liệu. Chế độ ăn uống thích hợp có thể giúp cải thiện sức mạnh xương. Một chế độ ăn giàu canxi và vitamin D sẽ giúp xương khỏe mạnh và góp phần đạt hiệu quả cao trong điều trị.
- Thực phẩm nhiều canxi như: Rau chân vịt, măng tây, củ cải xanh, cải cúc, cải xoăn, cải bắp, lá xu hào, sữa không béo, củ cải, bông cải xanh, cá hộp, hạt mè, rong biển, sữa đậu nành, cần tây, rau diếp, sữa chua, hạnh nhân...
- Thực phẩm nhiều magie có trong: Thịt, sữa, đậu tương, bơ, mủ trôm, lạc, rau ngót, chuối, cá chép, cá mú, cá thu, rau mùng tơi, cải xanh, khoai lang...
- Thực phẩm nhiều kẽm: Hải sản, cá biển, hàu, trái, ngũ cốc, bánh mì, trứng, khoai tây, cà rốt, hạt hướng dương, lạc, ...
- Ngoài ra, khi bị gãy xương, người bệnh cũng cần được bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B6 và vitamin B12 để tăng cường sức đề kháng, giúp duy trì sức khỏe tốt nhất và cơ thể mau chóng hồi phục các tổn thương xương.
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:
|